Tìm hiểu thêm về Trường Sinh học

Related Articles

       Ngày nay con người đã bước sang thế kỷ XXI, khi khoa học kỹ thuật và sự hiểu biết của con người đã tiến những bước dài, con người đã bay được vào vũ trụ, đã đặt chân của mình lên mặt trăng và tương lai có thể là sao Hỏa, sao Kim,… Tuy vậy, sự hiểu biết của con người về giới tự nhiên còn nhiều hạn chế. Chính vì sự hạn chế đó, từ bao đời nay, con người đã gửi gắm niềm tin của mình vào các tôn giáo để sống, để tồn tại và phát triển. Sách giáo lý Cơ đốc của La Mã cũng đã từng nêu lên “Sự bất lực của con người không hiểu được mình từ đâu đến và sẽ đi đâu, điều bí ẩn ấy gây nỗi lo âu khiếp sợ, chỉ có đức tin mới làm dịu đi được”.

       Năm 1670, Pascal đã viết về vị trí của con người trong vũ trụ: “Con người là gì trong thiên nhiên? Một hư vô đối với vô cực, là tất cả đối với hư vô, một cái ở giữa không có gì và tất cả. Con người không tài nào hiểu được những cái vô cùng, đối với người, mục đích và bản thể của sự vật bị ẩn giấu kín đáo trong một huyền bí không sao khám phá được, con người không có khả năng thấy cái hư vô là gốc gác của mình, cũng như không có khả năng thấy cái vô cực là nơi mình chìm vào… Con người sẽ vĩnh viễn tuyệt vọng vì không biết được bản chất và mục đích của sự vật”.

       Vấn đề Trường Sinh học đã được nhiều nhà khoa học đề cập đến, nó có thể cho phép chúng ta giải thích một số hiện tượng “thần bí” mà chúng ta gặp phải trong đời sống hàng ngày. GS. TS. Đoàn Xuân Mượu (Y khoa) có đề cập về Trường Sinh học, sau đây chúng tôi xin giới thiệu các bạn bài viết của GS, để qua bài này chúng ta có thể hiểu thêm và giải thích được một số vấn đề còn vướng mắc và cũng khá hóc búa trong khoa học hiện nay như hiện tượng tâm linh, ngoại cảm, thần giao cách cảm, chữa bệnh từ xa, những bí mật về Yoga (nguồn gốc Ấn Độ) và ứng dụng nó để nâng cao sức khỏe…

       Cách đây 5.000 năm, các nhà hiền triết cổ Ấn Độ đã coi nguồn gốc của mọi sự sống trên trái đất là “Prana” – năng lượng vũ trụ. Các nhà hiền triết cổ Trung Hoa thì quan niệm năng lượng cần cho sự sống trong vũ trụ là “Tiên Thiên Khí” chứa hai lực Âm và Dương. Trường phái Kabbalah của Do Thái năm 538 (trước Công nguyên) coi năng lượng sống trong vũ trụ là “ánh sáng tinh tú”, là “hào quang quanh đầu Chúa Jesus và các bậc thánh thần” được mô tả trong kinh Cựu ước. Ở châu Âu cận đại, các nhà khoa học dành vai trò này cho “Orgone”, cho “Illiaster”,…

       Tuy cách diễn đạt có khác nhau, nhưng tất cả các nhà thông thái cổ kim đều hiểu rằng: Thân thể người ta phải được hoạt hóa, khởi động, nuôi dưỡng bằng năng lượng. Nó cũng tựa như một cỗ máy làm bằng sắt thép phải được nạp điện, tiếp tế nhiên liệu vào động cơ thì cỗ máy đó mới có thể tự vận hành.

       Con người là sinh vật tiến hóa cao nhất trên trái đất. Mô hình cấu tạo đơn giản của thân thể bằng xương bằng thịt như trong sách giáo khoa của các trường Tây y đã tỏ ra không đủ để giải thích mọi hoạt động đa dạng, mọi tiềm năng đặc biệt của con người, nhất là đời sống tâm linh. Vì thế đã từ lâu các nhà hiền triết Đông Tây (Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp,…) bằng con đường minh triết và mới đây nhiều nhà khoa học cận tâm lý, bằng con đường duy lý đã đi đến rằng: Mô hình thân thể người ta gồm 7 cơ thể, trong đó một cơ thể vật lý bằng xương bằng thịt và 6 cơ thể bằng vật chất mịn hơn gọi là cơ thể tế vi. Nguồn năng lượng nào đưa tất cả các cơ thể vào hoạt động?

       Như chúng ta đã biết, cơ thể vật lý được nuôi dưỡng bằng năng lượng vật lý nhận được từ thức ăn nước uống, nhờ bộ máy tiêu hoá và cơ chế trao đổi chất phức tạp bên trong cơ thể. Nguồn năng lượng này là đối tượng nghiên cứu của khoa học về dinh dưỡng.

       Các cơ thể tế vi cũng cần đến nguồn năng lượng. Đó là năng lượng vũ trụ đi vào cơ thể người ta qua các luân xa, các huyệt châm cứu, các lỗ tự nhiên như tai, mắt, mũi, mồm,… rồi biến thành năng lượng sinh học. Cơ chế phát huy tác dụng của năng lượng sinh học được phân tích bằng khái niệm “Trường”. Vì sao? Đó là nội dung chính của bài viết này.

       Năng lượng sinh học có nguồn gốc “Tiên Thiên Khí” gọi là năng lượng tâm thần, để phân biệt với năng lượng vật lý “Hậu Thiên Khí”.

       Khái niệm “Trường” ra đời sau phát minh điện năm 1800. Trong khi nghiên cứu về lực tác dụng của điện tích, trường phái cơ học cổ điển Newton, coi tương tác giữa các hạt mang điện tích dương (Proton) và điện tích âm (Electron) như là lực hấp dẫn giữa hai khối lượng vật chất. Nhưng M. Faraday và J. Maxwell lại quan niệm khác: Mỗi điện tích tạo nên một nhiễu loạn trong không gian bao quanh và điện tích chịu một tác động khi có mặt ở đó và giải thích mối tương tác ấy bằng khái niệm “Trường” (Field).

       Thế là từ đầu thế kỷ XIX xuất hiện khái niệm “Trường Vật lý” như: điện trường, từ trường, điện – từ trường, trường hấp dẫn,… với định nghĩa: “Trường là trạng thái trong không gian có khả năng tạo ra một lực”. Thế là ra đời khái niệm về một vũ trụ chứa đầy “Trường”. Tạo ra các lực tương tác.

       Trường Sinh học không phải là Trường Vật lý. Trong Trường Vật lý, các điện tích cùng dấu đẩy nhau, các điện tích khác dấu hút nhau. Trong Trường Sinh học thì ngược lại, các điện tích cùng dấu lại hút nhau. Tuy Trường Sinh học không phải là Trường Vật lý nhưng có thể tạo ra hiệu ứng vật lý mà 5 giác quan thông thường có thể cảm nhận được. Các kỹ thuật tân kỳ được áp dụng từ đầu thế kỷ XX để chụp ảnh “bàn tay ánh sáng” của các nhà ngoại cảm (Kirlian), nhìn “hào quang” quanh người qua màn màu và bộ lọc (W. Kilner).

       Khoa học cận tâm lý đã phát hiện nhiều hiện tượng vẫn được coi là tâm linh, huyền bí như: tiên tri, thấu thị, thần giao cách cảm,… được chứng minh là bảo đảm bởi Trường Sinh học. Bằng lý thuyết Trường có thể giải thích các hình thức tương tác giữa người với người, khả năng đọc ý nghĩ của người khác, hiểu biết sâu sắc hơn về nội tâm của nhau, thấy rõ hơn tác động của ý nghĩ, tư tưởng, cảm giác…

       Trường Sinh học thay đổi tùy theo trạng thái tâm thần và thể chất tại thời điểm đó. Nếu rồi đây người ta học được cách điều khiển năng lượng sinh học trong cơ thể của mình thì việc chữa bệnh trở nên dễ dàng biết bao nhiêu.

       Trong quan hệ giữa cơ thể vật lý và Trường Sinh học có những phát hiện mới. Kirlian lấy một chiếc lá cắt bỏ đi 1/3 rồi chụp phần còn lại thì thấy hình hào quang chiếc lá vẫn nguyên vẹn. Cũng tương tự một số người có một chi bị cắt có cảm giác chi đó vẫn còn. Các nhà ngoại cảm nói rằng chính họ nhìn thấy hình chi bị mất như “tinh thể lỏng”. Từ đó phát sinh quan điểm mới về cơ thể sống, theo đó không phải bất cứ hiện tượng sống nào cũng phụ thuộc vào cơ thể vật lý với các quy luật vật lý học.

       Trường Sinh học cũng có hệ đường sức và cũng có thể chụp hình được. Tuy nhiên, đường sức của Trường Sinh học do GS. TS. Smirnow chụp được (1983) khác với đường sức của từ trường. Từ trường là một khoảng không mà tại mỗi điểm cường độ có một giá trị (vectơ) xác định. Với một ít mạt sắt có thể cụ thể hóa từ trường của một thanh nam châm. Đối với Trường Sinh học người ta bộc lộ đường sức nhờ hơi nước hay nhờ tia hồng ngoại trong bóng tối. Các đường sức phát ra như những vòi bạch tuộc. Chúng phản ánh quan hệ tình cảm của hai người ngồi cạnh nhau. Nếu hai người tương thích tâm lý thì các đường sức quyện vào nhau, nếu xung khắc tâm lý thì các đường sức né tránh nhau.

       Trên cơ sở thực nghiệm, người ta có thể thu được bức tranh của Trường Sinh học tập thể. Nếu trong một phòng có nhiều người thì sẽ có những đường sức nhiều màu sắc nối những người có thiện cảm lại với nhau. Điều đó chứng tỏ có sự giao lưu trực tiếp bằng Trường Sinh học. Phải chăng quy luật sinh học này giải thích hành vi tập thể của những đàn kiến, đàn mối, đàn cá, đàn bướm,… Yếu tố chỉ huy hành vi tập thể của chúng cũng là Trường Sinh học?

       Phải chăng đây là trường hợp mà Albert Einstein gọi là “quan hệ không cần thông tin”. Einstein chỉ ra rằng vì hạt có tính chất sóng nên hạt chuyển động không có quỹ đạo và trong cơ học lượng tử xuất hiện xác suất khác với cơ học cổ điển của Newton mà trong đó mọi việc đều tất định. Albert Einstein đã chỉ ra sự tồn tại của một loại tác động không bằng hình thức thông tin từ nơi này qua nơi khác và gọi loại tương tác này là “tương quan”. Ông đưa ví dụ về hai đứa bé sinh đôi cùng trứng, vừa đẻ ra thì giao cho hai bà mẹ nuôi ở xa nhau, không quan hệ với nhau tuyệt đối, dạy hai đứa trẻ theo cách nào họ muốn. Khi lớn lên hai người con này giống nhau như thể đã được nuôi dạy bởi một người.

       Một ví dụ khác về tiến hóa, trên một hòn đảo khép kín, người ta nuôi khỉ và dạy cho chúng một số tập tính. Sau một thời gian dài những tập tính này cũng quan sát được ở những con khỉ nuôi ở các đảo khác, mặc dầu giữa chúng không có quan hệ trực tiếp nào. Hiện tượng này gọi là “con khỉ thứ 100”, để nói lên quá trình tiến hóa phức tạp của loài linh trưởng. Đây là vấn đề lớn của Trường Sinh học có khả năng đóng vai trò cơ chế chủ yếu của các hiện tượng ngoại cảm như thần giao cách cảm, chữa bệnh từ xa. Hai nhà Tâm lý học nổi tiếng O. Carinton và J. Freud đã từ lâu lưu ý đến đến cơ chế tâm thức tập thể này.

       Quả thật, trong hiện tượng thần giao cách cảm, sau khi đã kiểm chứng bằng phương pháp khoa học khe khắt, không có sự tác động trực tiếp với nhau qua một sóng nào cả, không có hiện tượng sóng mang thông tin và năng lượng qua lại giữa hai chủ thể ở cách xa nhau. Ở đây vô thức nằm ngoài không gian và thời gian vật lý.

       Trong đời thường, có người mẹ nào không có linh cảm một điều gì đó bất an xảy ra với đứa con của mình, bất kể đứa con đang nằm trong nôi ở nhà, còn người mẹ đang làm lụng ở ngoài đồng, hoặc đứa con bị tử nạn ngoài mặt trận còn mẹ thì ở hậu phương an toàn?

       Đã từ lâu, dù chưa hiểu bản chất của Trường Sinh học, các nhà Y học bằng kinh nghiệm đã sử dụng Trường Sinh học để chẩn đoán và điều trị bệnh. Phương pháp ấy gọi là Tâm lý liệu pháp. Nội dung phương pháp chẩn đoán là căn cứ vào sự biến đổi trạng thái Trường Sinh học qua màu sắc, hình ảnh chụp được hoặc qua sự cảm nhận được của các nhà ngoại cảm, hoặc gần đây người ta bắt đầu sử dụng con lắc như trong cảm xạ học. Vấn đề này sẽ còn được đề cập chi tiết sau. Nội dung điều trị là truyền năng lượng sinh học cho người bệnh và các liệu pháp khác tùy theo bệnh đã được chẩn đoán. Nguyên tắc chung là nhà ngoại cảm dùng Trường Sinh học của mình để tác động lên Trường Sinh học của người bệnh. Một cảm giác nóng bỏng trào vào cơ thể người bệnh qua “bàn tay ánh sáng” của nhà ngoại cảm, nhất là tại cơ quan bị bệnh, trong khi tay nhà ngoại cảm vẫn lạnh và không có dấu hiệu tăng nhiệt.

       Các bậc tiên tri nổi tiếng thế giới như Nosterdamus, Blavatskaya, các nhà khoa học nghiên cứu kết hợp Đông Tây y dự đoán sự tác động lên con người qua tâm năng là Y học của tương lai.

       Thể xác, hệ kinh mạch, Trường Sinh học, cả ba thành phần không thể loại bỏ nhau vì con người vốn là một chính thể. Tương lai rộng lớn của loài người thuộc về công nghệ năng lượng sinh học cao, đưa nền văn minh vật lý hiện nay tiến lên nền văn minh tâm – sinh lý ngày mai.

       Kết kuận: Trên đây là bài viết của GS. TS. Đoàn Xuân Mượu về Trường Sinh học. Khi đọc bài này, chúng ta có thể hiểu được thế nào là Trường Sinh học, nó có thể giúp giải đáp một phần của những vấn đề “hóc búa ngàn đời” của con người, mà chúng tôi đã nêu ở trên. Mong rằng sự bí ẩn của vũ trụ, của thế giới,… với sự nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ dần dần được khám phá và hé mở,… Và, không phải như Pascal đã viết về sự bất lực con người cách đây mấy thế kỷ: “Con người sẽ vĩnh viễn tuyệt vọng vì không biết bản chất và mục đích của sự vật”.

More on this topic

Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Popular stories