Khái Niệm Về Luân Lý

Related Articles

Luân Lý Là Gì?

Theo nghĩa thông thường, luân lý là những qui tắc ứng xử, những tập tục, những giá trị phổ quát được công nhận ở trong một xã hội hay một nền văn hóa nào đó để giúp cho người ta biết phân biệt đúng sai. Lâu ngày, những qui tắc này trở thành một thứ luật lệ bất thành văn. Những hành vi đi ngược lại với luân lý bị gọi là đồi phong bại tục, trong khi những hành vi không đếm xỉa đến luân lý thì bị gọi là phi luân lý. Vì luân lý gắn liền với một nền văn hóa nào đó cho nên có thể bị thay đổi với thời gian. Thí dụ ở trong xã hội Hồi giáo, đàn ông có thể lấy nhiều vợ mà không luật pháp nào ngăn cấm. Trái lại bên Âu Mỹ thì luật pháp cấm đa thê, chẳng những luật pháp cấm mà người nào như thế sẽ bị người đời cười chê.

Luân Lý Và Đạo Đức

Chúng ta thường hay lẫn lộn giữa luân lý và đạo đức. Thực ra có một điểm khác biệt chủ yếu giữa luân lý và đạo đức: luân lý thì có thể thay đổi còn đạo đức thì không, cho dù ở trong bất cứ thời gian, không gian nào. Thí dụ các qui luật đạo đức phổ quát như phải thảo kính cha mẹ, yêu thương con cái, cứu giúp kẻ già yếu bệnh tật… sẽ không bao giờ thay đổi dù ở bất cứ nơi đâu và khi nào.

Những Quan Điểm Lệch Lạc Về Luân Lý

1. Nền luân lý hiện đại chủ trương dựa trên lương tâm và tự do cá nhân

Một số trào lưu thần học chủ trương tán dương tự do và đề cao nhân vị cách thái quá đã loại bỏ học thuyết cổ truyền về luật tự nhiên. Những người này chủ trương rằng, việc xác định các chuẩn mực liên quan đến thiện ích nhân linh là việc của lý trí tự lập, không liên quan đến mặc khải, truyền thống và quyền giáo huấn của Giáo Hội. Họ coi tự do là nguồn phát sinh ra các giá trị, vượt qua mọi lệ thuộc đối với chân lý khách quan. Họ nghi ngờ và bình phẩm các giáo huấn luân lý của Giáo Hội.

Theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp “Veritatis Splendor” (Vẻ Huy hoàng của Sự Thật), quan niệm như thế chẳng khác gì cho rằng “phán xét của cá nhân luôn luôn đúng”. Mô thức này sẽ dẫn con người tiến gần tới chủ nghĩa vô thần. Hiện tại, con người đang dần dần đánh mất nền luân lý khách quan gắn liền với chân lý.

2. Thuyết luân lý tương đối và luân lý hoàn cảnh

Thực trạng xã hội phức tạp đã khiến một số nhà luân lý đòi xét lại hệ thống luân lý cũ.

  • Năm 1932 thuyết luân lý tương đối ra đời tại Âu Châu. Họ cho rằng con người đang sống trong thế hệ đa nguyên về văn hóa. Mọi nền văn hóa phải được tôn trọng ngang nhau. Không có tiêu chuẩn luân lý của một văn hóa hay tôn giáo nào được coi là khuân mẫu chung cho mọi người. Nhóm xướng lập chủ thuyết này đòi duyệt lại Giáo luật của Công giáo. Chủ đề của họ là: “mọi hoàn cảnh đều cá biệt, không có luật luân lý cố định, mang tính cách thần quyền, đặt trước cho mọi trường hợp”. Họ chủ trương con người phải quy về nền luân lý trách nhiệm (moral responsibility) hơn là nền luân lý cưỡng chế. Vì vậy, họ phủ nhận tính cách pháp chế (legalistic) của mọi nền luân lý tôn giáo. Đối với họ không có luật buộc, con người có quyền tự do phán xét theo lương tâm cá nhân.
  • Năm 1960 Fletcher, một mục sư Episcopal lập ra thuyết luân lý hoàn cảnh. Cũng giống như thuyết luân lý tương đối, Fletcher cho rằng giá trị đạo đức không thể đứng độc lập bất chấp hoàn cảnh. Một hành xử đúng với hoàn cảnh này nhưng lại có thể là sai trong hoàn cảnh khác.

    Thuyết luân lý hoàn cảnh và những thuyết tương tự đang ngày càng ảnh hưởng trong lối suy tư duy lý của thời hiện đại, trở thành một thử thách cho đức tin Kitô hữu.

Luân Lý Công Giáo Là Gì?

Công giáo tin có một nền luân lý khách quan. Nền luân lý này bao gồm luật tự nhiên (natural laws) và luật trường cửu (eternal laws). Vũ trụ được Thiên Chúa tạo thành và tồn tại trong một nền trật tự vững vàng. Vì vậy, để tồn tại, vạn vật phải sống theo một trật tự thích hợp. Vạn vật mang sẵn bộ luật tự nhiên để tiến hoá, chẳng hạn khi đói thì biết ăn, khi gặp hiểm thì biết tự bảo vệ. Luật trường cửu thể hiện qua Mười Điều Răn của Thiên Chúa. Giá trị của những luật này phản ánh bản tính Thiên Chúa. 9 trong 10 điều răn này đã nằm sẵn trong lương tâm của mỗi cá nhân. Theo Công giáo, Mười Điều Răn là nền tảng của trật tự sống có giá trị trường cửu, nghĩa là vượt thời gian và không gian. Công giáo không bao giờ coi luân lý là cách sống tuỳ ý của một cá nhân. Một hành vi công lý không phải là một hành vi nhằm thích hợp với hoàn cảnh, nhưng là một hành vi làm sáng danh Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi một hành vi luân lý đích thực phải biểu lộ được phẩm chất luân lý khách quan trong sự hiệp thông với Giáo Hội. Thánh Kinh cho biết con người nhận lãnh luật trường cửu, con người không sáng tạo ra chúng. Luật trường cửu là chân lý. Chân lý không bao giờ sai lầm, hằng hiển nhiên và khách quan, luôn luôn đi trước tri thức con người, vượt khỏi giới hạn không gian và thời gian. Tách rời luật trường cửu, con người sẽ mất hút vào những ảo ảnh của khuynh hướng duy lý và vô thần. Nơi nào con người sống theo khuynh hướng tự do tiến hoá phi luân lý trường cửu, nơi đó họ mất không những sự liên kết với Thiên Chúa, mà cả tiêu chuẩn chung về đạo đức cũng mất theo.

Đạo Đức Công Giáo Là Gì?

Để hiểu đạo đức Công Giáo là gì, chúng ta có thể lấy dẫn chứng từ nơi Kinh Thánh. Có anh thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” Đức Giê-su đáp: “… Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.” Người ấy hỏi: “Điều răn nào?” Đức Giê-su đáp: “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ”, và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.” Người thanh niên ấy nói: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?” Đức Giê-su đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” (Mt 19:16-22)

Người thanh niên đã giữ các giới răn, điều ấy kể ra đã tốt lắm rồi. Thế nhưng đó vẫn còn trong phạm vi luân lý chứ chưa phải đạo đức. Chúa bảo phải về bán hết gia sản sự nghiệp bởi vì đó là những thứ cản trở con đường ĐẠO cũng tức là con đường „bỏ mình theo Chúa‟ vì: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16:24-26)

Đạo đức Công Giáo là từ bỏ chính mình đi theo Chúa Kitô trên con đường trọn lành.

Thích bài này:

Thích

Đang tải …

More on this topic

Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Popular stories