THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TẠI NƠI LÀM VIỆC

Related Articles

Thứ ba, 19/01/2021

DÂN CHỦ TRONG DOANH NGHIỆP

THỰC HIỆN THẬT- LỢI ÍCH THẬT

Nguyễn Quốc Khánh- Phó Trưởng ban CSPL Liên đoàn Lao động TP

         Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của Chính phủ thông qua hình thức tổ chức Hội nghị người lao động. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp. Hoạt động này thể hiện sự tương tác, gắn kết và đồng thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động trong việc đồng lòng, hợp sức thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Quy chế dân chủ tại nơi làm việc của doanh nghiệp là những quy định về quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động, Công đoàn cơ sở, người lao động đối với những nội dung người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và được kiểm tra, giám sát tại doanh nghiệp. Việc thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc phải dựa trên các nguyên tắc: Thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; không trái với các quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.

          Nghị định 149/2018/NĐ-CP, ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết K3 Điều 63 Bộ Luật lao động năm 2012 về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (có hiệu lực từ 01/01/2019) sau hơn 02 năm đi vào thực tiễn sẽ hết hiệu lực vào ngày 01/02/2021 do có Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động ra đời và thay thế. Nghị định này đã trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Tuy nhiên trong thực tế, bên cạnh một số doanh nghiệp đã chủ động, tích cực trong việc xây dựng Quy chế dân chủ phù hợp, sát thực với quy mô, đặc thù của doanh nghiệp và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc thì vẫn còn không ít doanh nghiệp còn coi nhẹ hoạt động nay, việc xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ còn mang nặng tính hình thức chỉ với mục đích duy nhất là để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước về lao động.

         Theo kết quả phân tích đánh giá các cuộc đình công, ngừng việc tập thể xẩy ra trong thời gian qua, một trong những nguyên nhân chính là do doanh nghiệp không thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, người lao động không được bày tỏ tâm tư nguyện vọng cũng như những kiến nghị, bức xúc của bản thân trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp, các quy định từ phía doanh nghiệp còn mang tính áp đặt không có sự thương lượng, thỏa thuận trước khi thực hiện. Việc xây dựng quy chế phải bảo đảm tuân thủ pháp luật, phù hợp với đặc thù doanh nghiệp, thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Ban Chấp hành CĐCS hoặc tập thể người lao động phải được thực hiện các quyền trong việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc như:

          – Quyền được biết: Căn cứ các nội dung được biết của người lao động theo các quy định của pháp luật người sử dụng lao động cần quy định chi tiết các nội dung được biết của người lao động tại doanh nghiệp như: Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và của phòng, ban, phân xưởng; các nội quy, quy chế của doanh nghiệp liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động như: Nội quy lao động; quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động, nâng lương, trả lương, trả thưởng, trang bị bảo hộ lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ; chế độ, chính sách cho người lao động, trợ cấp thôi việc, mất việc làm, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề; tình hình đóng BHXH, BHYT, BHTN; tình hình tài chính doanh nghiệp, kết quả các cuộc đối thoại, thực hiện thỏa ước lao động tập thể; các nghị quyết, kết luận cuộc họp của lãnh đạo có liên quan đến định hướng, giải pháp phát triển doanh nghiệp và quyền, lợi ích của người lao động; các quy định về đơn giá tiền lương theo sản phẩm, tiền chuyên cần, hỗ trợ đi lại, hỗ trợ nuôi con nhỏ, hỗ trợ nhà ở, đóng góp thành lập quỹ trợ giúp khó khăn (nếu có) và các quy định khác phù hợp với tình hình doanh nghiệp.

          – Quyền tham gia, quyết định và kiểm tra, giám sát của người lao động: Nghị quyết hội nghị người lao động; quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và các nội dung khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động cần lấy ý kiến; nội dung, hình thức thương lượng thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp; nội dung, hình thức đối thoại tại doanh nghiệp. Có thể bổ sung quyền được quyết định của người lao động như: Quyền tham gia các hoạt động tập thể, mức đóng các loại quỹ xã hội, từ thiện tại doanh nghiệp, tham quan, nghỉ mát hàng năm…phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp. Đối với quyền kiểm tra, giám sát, như việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động, trợ cấp thôi việc, mất việc làm, thực hiện thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, kết quả thực hiện Nghị quyết của hội nghị người lao động; kết luận của thanh tra, kiểm toán, thực hiện kiến nghị của thanh tra, kiểm toán liên quan đến quyền lợi của người lao động.

          – Tham gia nội dung tổ chức đối thoại tại nơi làm việc: Việc xây dựng nội dung đối thoại tại nơi làm việc cần dựa trên nguyên tắc bình đẳng, thiện chí và hợp tác giữa các bên, đồng thời bám sát quy định của pháp luật để đề xuất nội dung đối thoại đưa vào quy chế, cụ thể:

          + Đối thoại định kỳ: Là các cuộc đối thoại được tiến hành định kỳ theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện tốt hơn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Công đoàn cơ sở nghiên cứu, lựa chọn những nội dung đối thoại phù hợp với đặc thù, tình hình doanh nghiệp, ưu tiên các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động như: Tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chất lượng bữa ăn giữa ca, tình hình thực hiện chế độ chính sách về BHXH, BHTN, trách nhiệm của các bên trong việc tổ chức thực hiện kết quả đối thoại… để đưa vào nội dung đối thoại định kỳ. Số lượng, thành phần tham gia đối thoại do công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động lựa chọn nhưng phải đảm bảo ít nhất mỗi bên có 3 thành viên tham gia đối thoại.

          + Đối thoại đột xuất:  Là cuộc đối thoại được thực hiện theo yêu cầu của một trong các bên hoặc đại diện của các bên trong quan hệ lao động nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp thiết, ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, tránh xung đột dẫn đến tranh chấp lao động, đình công tại doanh nghiệp. Số lượng, thành phần, tiêu chuẩn tham gia đối thoại đột xuất thực hiện như đối thoại định kỳ nhưng quy trình và thủ tục cần nhanh, gọn. Đối thoại đột xuất cần tránh để bên yêu cầu đối thoại phải chờ đợi, tạo ra những bức xúc trong quá trình giải quyết.

          – Tham gia xây dựng nội dung tổ chức hội nghị người lao động

          + Hình thức tổ chức: Hội nghị người lao động tại doanh nghiệp được tổ chức theo hình thức hội nghị đại biểu hoặc hội nghị toàn thể. Đối với doanh nghiệp có từ 100 lao động trở xuống thì đề xuất lựa chọn hình thức hội nghị toàn thể. Đối với doanh nghiệp có từ trên 100 lao động trở lên hoặc có địa điểm làm việc ở nhiều nơi thì đề xuất tổ chức hội nghị đại biểu hoặc toàn thể do các bên thống nhất. Tùy đặc thù của từng doanh nghiệp, công đoàn cơ sở có thể thỏa thuận, thống nhất với người sử dụng lao động lựa chọn tổ chức hội nghị người lao động theo hình thức phù hợp.

          + Đại biểu tham dự: Đối với hội nghị toàn thể: Thành phần tham gia hội nghị là toàn bộ người lao động tại doanh nghiệp. Trường hợp người lao động không thể rời vị trí sản xuất thì công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động thỏa thuận về số lượng, thành phần tham gia. Đối với hội nghị đại biểu: Công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động thỏa thuận, thống nhất đại biểu dự hội nghị phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó:

          + Tổ chức, nội dung hội nghị:  Hội nghị người lao động được tổ chức từ cấp tổ, đội, phòng, ban, phân xưởng, đơn vị trực thuộc (theo cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp).

          – Trách nhiệm chuẩn bị nội dung hội nghị:

          + Báo cáo của người sử dụng lao động: Tình hình sản xuất kinh doanh, phương hướng hoạt động của doanh nghiệp; tình hình giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; tình hình thực hiện các phong trào thi đua, khen thưởng, kỷ luật của doanh nghiệp; tình hình sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ xã hội từ thiện, BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí công đoàn…(những nội dung người lao động được công khai và được biết).

          + Báo cáo của ban chấp hành công đoàn: Tổng hợp kết quả tổ chức hội nghị người lao động tại các tổ, phòng, ban, phân xưởng…; tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của người lao động góp ý để sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế, tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ xã hội từ thiện… của doanh nghiệp; tổng hợp các ý kiến khác liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động.

          – Nội dung hội nghị người lao động cấp tổ, đội, phòng, ban, phân xưởng… gồm: Tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công tác của tổ, đội, phòng, ban…và của doanh nghiệp năm trước, phương hướng hoạt động của doanh nghiệp và nhiệm vụ của tổ, đội, phòng, ban … trong năm; tham gia góp ý, đề xuất, kiến nghị vào các nội dung liên quan như: Thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế, tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ xã hội từ thiện… của doanh nghiệp; bầu đại biểu đi dự hội nghị người lao động cấp doanh nghiệp.

          – Nội dung hội nghị người lao động cấp doanh nghiệp gồm: Báo cáo các nội dung theo phân công; tham gia góp ý, đề xuất, kiến nghị vào các nội dung liên quan như: Thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế, tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ xã hội từ thiện… của doanh nghiệp và các nội dung khác do các bên thống nhất quyết định.  

          Ngoài các hình thức dân chủ nêu trên, người sử dụng lao động phối hợp với công đoàn cơ sở quy định thêm nội dung các hình thức dân chủ khác vào quy chế như: hình thức dân chủ thông qua hộp thư góp ý, thư ngỏ, hiến kế, diễn đàn, tài liệu, ấn phẩm, bản tin, trao đổi trực tiếp, tiếp người lao động tại doanh nghiệp…Việc xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các nội dung tham gia xây dựng Quy chế dân chủ tại nơi làm việc được nêu trên là điều kiện tiên quyết, quan trọng trong việc bảo đảm quyền dân chủ của người lao động, đồng thời góp phần giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp./.

More on this topic

Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Popular stories