Phiền Não Là Gì?

Related Articles

Ví dụ về những phiền não là tâm tham ái hay dục vọng, sân hận, ganh tỵ, tự hào, kiêu hãnh, v.v… Một số trong những phiền não này có thể khiến ta hành động một cách tiêu cực, nhưng điều đó không nhất thiết phải luôn luôn là như vậy. Chẳng hạn như tâm tham ái và dục vọng có thể khiến ta hành động một cách tiêu cực, ví dụ như ra ngoài ăn cắp món gì, chẳng hạn vậy. Nhưng ta cũng có thể khao khát được yêu thương và quyến luyến với điều này, nên mới giúp đỡ người khác, để được họ yêu thương. Giúp đỡ người khác không phải là việc phá hoại; đó là điều có tính xây dựng, nhưng có một sự phiền não ở bên trong: “Tôi muốn được yêu, nên tôi xin bạn hãy yêu tôi.”.

Hoặc hãy xem xét trường hợp của tâm sân. Sân hận có thể khiến mình hành động một cách tiêu cực như ra ngoài làm tổn thương ai đó, hoặc thậm chí giết họ, bởi vì mình rất tức giận. Vậy thì đó là hành vi phá hoại. Tuy nhiên, cứ cho rằng mình rất tức giận về sự bất công của một hệ thống hay một tình huống nào đó, và rất tức giận đến mức mình sẽ làm điều gì để cố thay đổi nó, nhưng không nhất thiết phải làm điều gì hung bạo. Tuy nhiên vấn đề ở đây là ngay cả khi mình làm một điều gì có tính cách xây dựng hay tích cực, thì nó vẫn bị phiền não thúc đẩy. Ta không an lạc, và vì không được an lạc nên khi mình thực hiện hành động tích cực đó thì tâm trí và cảm xúc của mình không quá rõ rệt, và trạng thái cảm xúc không ổn định.

Trong những trường hợp này thì với lòng ham muốn hay giận dữ, ta sẽ muốn người kia yêu mình, hay muốn một sự bất công chấm dứt. Đó không phải là những tâm trạng ổn định, hay trạng thái cảm xúc ổn định, bởi vì chúng không phải là những tâm trạng sáng suốt, hay trạng thái cảm xúc rõ rệt, nên mình không suy nghĩ rõ về những gì phải làm, và cách thực hiện ý định của mình. Do đó, mình không có tự chủ. Chẳng hạn như mình có thể cố gắng giúp ai làm điều gì, nhưng cách giúp đỡ tốt hơn có thể là để họ tự làm điều đó. Hãy cho là nếu như mình có một cô con gái đã trưởng thành, và muốn giúp cô ấy nấu ăn, hoặc chăm sóc ngôi nhà, hay chăm sóc con cái, nhưng theo nhiều khía cạnh thì đó là việc tạo ra phiền phức. Con gái của mình có thể không cảm kích về việc mình dạy nó nấu ăn, hoặc cách nuôi con cái. Nhưng vì muốn được yêu thương, và muốn làm người hữu ích, nên mình áp đặt điều đó với đứa con. Chúng ta đang làm điều gì mang tính xây dựng, nhưng trong khi làm như vậy thì lại mất đi sự tự chủ, điều sẽ khiến ta phải nghĩ rằng, “Tốt hơn là nên giữ im lặng, không cho ý kiến và ngỏ lời giúp đỡ.”.

Ngay cả khi ra tay giúp đỡ trong tình huống thích hợp để giúp người khác, nhưng vẫn không thoải mái về điều đó, bởi vì có thể mình đang mong đợi một sự đền đáp nào đó. Ta muốn được yêu thương; muốn người khác cần mình; muốn được người khác cảm kích. Với sự ham muốn này như một điều kiện trong tâm trí, rồi nếu con gái của mình không phản ứng theo cách mà mình muốn, thì ta sẽ rất buồn bực.

Cơ chế này của phiền não khiến ta mất an lạc và tự chủ, thậm chí còn rõ ràng hơn, khi ta chống lại sự bất công. Vì khó chịu về điều đó, nên ta thấy buồn bực. Nếu mình hành động, dựa trên sự buồn bực đó, thường thì ta sẽ không suy nghĩ rõ ràng về việc phải làm gì. Thường thì mình không noi theo quá trình hành động tốt nhất, để mang lại sự thay đổi mà mình muốn.

Nói tóm lại, dù ta hành động một cách phá hoại, hay làm điều gì có tính cách xây dựng, nếu những gì mình làm bị phiền não thúc đẩy và đi kèm, thì hành vi đó sẽ tạo ra vấn đề. Mặc dù ta có thể dự đoán chính xác về việc liệu nó có gây ra vấn đề cho người khác hay không, nhưng chủ yếu là nó sẽ gây ra vấn đề cho mình. Những vấn đề này không nhất thiết là những điều sẽ xảy ra ngay lập tức; chúng là những vấn đề lâu dài, theo ý nghĩa là hành động chịu ảnh hưởng của phiền não sẽ hình thành thói quen lặp đi lặp lại nhiều lần hành vi ấy một cách phiền toái. Bằng cách này, hành vi bốc đồng dựa trên phiền não sẽ tạo nên hàng loạt cách ứng xử có vấn đề. Ta sẽ không bao giờ thấy an lạc.

Một ví dụ rõ ràng về điều đó là được thúc đẩy để trở nên hữu ích và làm những điều tốt đẹp cho người khác, vì mình muốn cảm thấy được yêu thương và đánh giá cao. Đằng sau điều đó là sự bất an. Nhưng càng tiếp tục hành động với loại động lực này thì mình sẽ không bao giờ thỏa mãn, không bao giờ cảm thấy, “Được rồi, bây giờ thì mình đã được yêu. Vậy là đủ rồi, không cần thêm nữa.”. Chúng ta không bao giờ cảm thấy như vậy, nên hành vi của mình chỉ củng cố và làm mạnh mẽ thêm thói quen về cảm giác bốc đồng này, “Tôi phải cảm thấy được yêu thương, tôi phải cảm thấy quan trọng, tôi phải cảm thấy được trân trọng.”. Càng ngày bạn càng hy vọng nhiều hơn về việc được yêu thương, nhưng bạn luôn thấy thất vọng. Bạn có thể thất vọng vì ngay cả khi người nào cảm ơn bạn thì bạn nghĩ rằng, “Họ không thật sự có ý đó”, đại loại như vậy. Vì vậy nên mình không bao giờ yên tâm. Và càng ngày nó càng tệ hơn, vì hội chứng cứ lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại hoài. Điều này được gọi là “luân hồi”, một tình huống rắc rối cứ tái diễn một cách vô tự chủ .

Không quá khó để nhận ra hội chứng này, khi phiền não đang khiến mình hành động một cách tiêu cực hay phá hoại. Ví dụ, ta có thể luôn luôn bực mình, và vì bực bội nên ta nổi giận vì điều nhỏ nhặt nhất, rồi trong những mối quan hệ với người khác, mình luôn nói nặng lời, hay nói những điều tàn nhẫn. Điều hiển nhiên là không ai thích mình, và mọi người thật sự không muốn ở gần mình, và điều đó gây ra rất nhiều vấn đề trong mối quan hệ của chúng ta. Việc nhận thức điều gì đang xảy ra thì khá dễ dàng, nhưng khi phiền não nấp đằng sau hành vi tích cực thì không dễ nhận ra điều đó. Nhưng ta phải nhận ra nó trong cả hai tình huống.

More on this topic

Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Popular stories