PHÂN LOẠI VIÊM – Phòng Khám Đa Khoa Giang San – An Nhơn – Bình Định

Related Articles

Phân loại viêm

– Phân loại viêm dựa vào các yếu tố sau: Thời gian, nguyên nhân, vị trí và đặc điểm về hình thái tổn thương giải phẫu bệnh.

– Theo thời gian có viêm cấp tính và mạn tính.

+ Trong viêm cấp tính có thể có nhiều loại tổn thương theo hình thái tổn thương giải phẫu bệnh.

+ Trong viêm mạn tính có loại tổn thương viêm đặc biệt là viêm hạt.

I. VIÊM CẤP TÍNH

1.1. Định nghĩa:

– Xảy ra khi tác nhân gây viêm tác động vào tổ chức trong một thời gian ngắn, gây nên phản ứng viêm ngắn và không kéo dài.

– Thời gian từ vài giờ cho đến vài ngày, không thể xác định chính xác thời gian cũng như xác định thời điểm chuyển sang mạn tính.

– Có thể xảy ra từng đợt và được xem như viêm tái phát hay tái diễn.

– Phản ứng chủ yếu là phản ứnh rỉ (phản ứng mạch máu) ngoài ra thường có phản ứng hư biến, nếu nhẹ là các tổn thương thoái hoá còn nặng có thể là các tổn thương hoại tử của tế bào và tổ chức.

1.2. Giải phẫu bệnh:

– Hình ảnh đại thể: Có các dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, đau và mất hay giảm chức năng của cơ quan bị viêm.

+ Sưng: Ổ viêm thường căng to do phù nề của dịch phù viêm.

+ Nóng: Do tăng lượng máu đến đến vùng viêm làm tăng chuyển hoá.

+ Đỏ: Do mạch máu dãn rộng, nếu có nhiều bạch cầu và sợi tơ huyết tổ chức có màu nâu hoặc xám.

+ Đau: Do nhiều yếu tố: Chèn ép của dịch phù, tác động của bradikynin, serotonin, prostaglandin.

– Hình ảnh vi thể:

+ Trong ổ viêm thấy mạch máu dãn to và xung huyết.

+ Bạch cầu nằm sát thành mạch và có thể ở vị trí đang xuyên mạch

+ Tế bào nội mô trương to.

+ Tổ chức đệm phù nề, chứa nhiều protein và có các sợi tơ huyết nằm trong tổ chức và trong các mạch máu nhỏ, bị xâm nhiễm bởi nhiều bạch cầu đa nhân trung tính và đại thực bào, có lẫn một ít bach cầu ái toan, lympho và tương bào.

+ Phản ứng hư biến thể hiện một số tế bào nhu mô bị hoại tử, một số lớn thoái hoá các loại.

– Viêm cấp tính do virus thường liên quan đến tế bào lympho. Viêm này không có đáp ứng của bạch cầu đa nhân trung tính và không hoá mủ.

– Nếu quan sát kỹ quá trình viêm ta có thể thấy các biểu hiện của viêm cấp giai đoạn đầu và giai đoạn muộn hơn:

+ Ở giai đoạn đầu tổn thương chủ yếu là xung huyết phù nề và các hoạt động xuyên mạch.

+ Ở giai đoạn muộn là hình ảnh xâm nhiễm nhiều bạch cầu đa nhân trung tính trong mô đệm và các hoạt động thực bào.

1.3. Một số thể viêm phân loại theo hình thể.

Dựa vào hình ảnh đại thể ta có thể có một số loại viêm hay gặp.

1.3.1. Viêm thanh huyết (serous inflamation ):

Phân loại viêm

– Là dạng viêm nhẹ nhất.

– Đặc tính là dịch tiết trông giống như huyết thanh.

– Là giai đoạn đầu của nhiều loại viêm.

– Viêm thanh huyết thường do nhiễm nhiều loại virus.

– Dịch thanh huyết nhanh chóng được hấp thu, khi viêm được loại trừ tổn thương khỏi và không để lại dấu vết hoặc hậu quả gì.

1.3.2. Viêm tơ huyết:

Phân loại viêm

– Đặc tính của loại viêm này là dịch rỉ chứa rất nhiều protein của fibrin được trùng hợp từ fibrinogen.

– Dịch trong loại viêm này chứa nhiều albumin và globulin miễn dịch, tổn thương xuất hiện khi các phần tử này thoát được ra khỏi thành mạch chứng tỏ có tổn thương lớn ở thành mao mạch.

– Viêm tơ huyết gặp trong nhiễm nhiều loại vi khuẩn.

– Dịch tơ huyết không dễ hấp thu như dịch thanh huyết.

– Các đại thực bào xâm lấn vào có khả năng phân huỷ fibrin, các mạch máu phát triển vào hình thành tổ chức hạt. Quá trình này được gọi là quả trình tổ chức hóa của dịch rỉ.

– Các đại thực bào trong dịch rỉ cũng kích thích các nguyên bào sợi góp phần để tạo nên tổ chức xơ.

– Mủ tơ huyết là sự kết hợp giữa sợi tơ huyết, mủ, mảnh tế bào và chất nhầy của niêm mạc chứa nhiều chất tơ huyết, mủ có thể tích tụ ở trên niêm mạc, da hoặc ở bên trong các cơ quan.

+ Khi mủ tích tụ ở trong các cơ quan hoặc tổ chức và được bao bọc bởi tổ chức hạt, ngoài là vỏ xơ thì gọi là ổ abces.

+ Ổ abces lớn có thể vỡ tạo thành xoang là các hốc, hố mà trước đó là các ổ abces và mủ chảy qua đường hay ống ra khỏi cơ thể.

+ Nếu mủ ứ trong các hốc tự nhiên, trong lòng các tạng rỗng thì gọi là tích mủ như tích mủ màng phổi, tích mủ túi mật do sỏi.

Phân loại viêm

1.3.3. Viêm loét:

Phân loại viêm

– Là loại viêm thường xảy ra trên bề mặt cơ thể hoặc niêm mạc của dạ dày – ruột, kết quả là tạo thành ổ loét hoặc mất lớp tế bào biểu mô.

– Loét được xác định là tổn thương hoàn toàn lớp biểu mô và sâu đấn tổ chức liên kết ở phía dưới.

– Tổn thương viêm loét hay gặp trong loét dạ dày và tá tràng.

1.3.4. Viêm màng giả:

– Màng giả thường là một thành phần được hình thành từ viêm loét, trong ổ viêm loét có mủ tơ huyết nhìn như màng giả trên bề mặt của ổ loét. Có thể thấy viêm màng giả ở đại tràng do clostridium difficile hay trong bệnh thương hàn.

Phân loại viêm

1.4. Tiến triển

– Khỏi:

+ Khi tác nhân viêm yếu, tác động ngắn hoặc nếu được điều trị tốt viêm có thể tự khỏi.

+ Các bạch cầu đa nhân trung tính tự thoái biến, các sợi tơ huyết cũng tan rã và được đại thực bào tiêu huỷ rồi sau đó trở lại trạng thái nghỉ là các tổ chức bào.

+ Các mạch máu thu nhỏ lại kích thước bình thường, các tế bào thoái hoá trở lại trạng thái ban đầu và viêm sẽ khỏi.

– Xơ hoá (tổ chức hoá):

+ Khi trong ổ viêm có nhiều các sợi tơ huyết, tồn tại lâu. Các đại thực bào xâm lấn vào và biến đổi thành các nguyên bào sợi, ngoài ra chúng còn có thể tạo ra các yếu tố phát triển tế bào.

+ Đồng thời các mạch máu phát triển vào và hình thành tổ chức hạt. Quá trình này được gọi là quả trình tổ chức hóa ổ viêm tạo nền và tổ chức xơ. Xơ hoá tổ chức kết quả thường bất lợi.

II. VIÊM MẠN TÍNH

2.1. Định nghĩa.

– Là quá trình viêm nhiễm xảy ra trong thời gian dài. Thời gian càng dài tổn thương càng điển hình.

– Nguyên nhân gây viêm mạn tính cũng thường là các nguyên nhân gây viêm cấp tính nhưng viêm mạn tinh có thể do: Viêm cấp tính kéo dài; do tác nhân viêm tấn công lặp đi lặp lại nhiều lần; tác nhõn gây viêm tồn tại dai dẳng trong tổ chức; quá trình hồi phục kéo dài của một Viêm cấp tính.

– Viêm mạn tính thường bắt đầu bằng một viêm cấp tính tuy nhiên một số viêm mạn tính tiến triển không có pha cấp tính thường là biểu hiện quá trình tác nhân tấn công âm ỉ, chậm, kéo dài như trong viêm lao, bệnh nhân chỉ có biểu hiện mệt mỏi và sốt nhẹ, không xác định được rõ thời gian xảy ra, bắt đầu triệu chứng và không nhớ pha cấp tính ở thời điểm nào.

– Ngoài ra còn có thể gặp ở những người nhiễm bụi silic dẫn đến viêm phổi mạn tính do silic và trong bệnh này người bệnh không thấy biểu hiện của giai đoạn cấp tính.

– Viêm mạn tính cũng là phản ứng với chất từ bên ngoài vào như viêm hạt dị vật phát triển ở xung quanh một gai nhọn và tồn tại ở tổ chức dưới da.

– Cho nên ta có thể định nghĩa viêm mạn tính là loại viêm kéo dài nhiều tháng nhiều năm, tác nhân viêm tồn tại lâu trong tổ chức, xâm nhập và tấn công nhiều lần.

Phân loại viêm

2.2. Giải phẫu bệnh

– Chủ yếu là phản ứng tăng sinh, ngoài ra còn có phản ứng hư biến.

– Hình ảnh đại thể:

+ Một tạng hay một tổ chức viêm mạn tính thường thu nhỏ, hình dáng của tạng thường không đều đặn, vỏ tạng khó bóc tách do dính, dày và đục. Mặt cắt thường chắc, nhợt màu, trên mặt cắt có các ổ, các dải xơ.

+ Bốn dấu hiệu cổ điển của viêm sưng, nóng, đỏ, đau không còn theo tiến triển của quá trình viêm mạn tính, còn tổn thương rối loạn chức năng thì ngày càng nặng hơn.

– Hình ảnh vi thể:

+ Chủ yếu tại ổ viêm mạn tính là hình ảnh xâm nhiễm tế bào lympho, tương bào và đại thực bào và sự xơ hoá, các mạch máu thành dày.

+ Các tế bào viêm này nằm trong mô đệm, quanh các mạch máu nhỏ, dây thần kinh hay ngay dưới lớp biểu mô phủ hoặc biểu mô tuyến.

+ Sự khu trú nhiều tế bào quanh mạch chứng tỏ do có tế bào từ máu xuyên mạch ra hay do cả sự tăng sinh, biến dạng, biệt hoá các tế bào liên kết quanh mạch. Có thể thấy một số đại thực bào, còn bạch cầu đa nhân trung tính và ái toan thì rất ít.

+ Xơ hoá tổ chức do các nguyên bào sợi và các tế bào sợi tăng sản. Sự xơ hoá thể coi như một phần của xu hướng hồi phục của ổ viêm.

+ Xơ hoá các tế bào ở lớp áo trong của thành mạch làm cho thành mạch dày lên. Tổn thương này được gọi là viêm nội động mạch tăng sinh hay xơ cứng động mạch nhỏ tăng sản.

+ Trong viêm mạn tính, có các tổn thương trên là do các tế bào lympho, macrophage, plasma cell chế tiết các chất trung gian kích thích sự tăng sản của các nguyên bào sợi đồng thời thu hút các tế bào viêm khác đến.

+ Với hình ảnh vi thể của các phản ứng rỉ, phản ứng tăng sinh ta có thể ghi nhớ tế bào đặc trưng cho viêm cấp tính là bạch cầu đa nhân trung tính còn trong viêm mạn tính là lympho và tương bào.

1.3. Hậu qủa của viêm mạn tính.

– Thời gian kéo dài của viêm sẽ làm tổ chức tổn thương nhiều hơn, khỏi sẽ lâu hơn và tổn thương chức năng nặng nề hơn viêm cấp tính.

– Tổn thương mất tế bào nhu mô sẽ hình thành sẹo, thay thế tổ chức nhu mô bằng nguyên bào sợi và các sợi tạo keo, điều này làm rối loạn chức năng các cơ quan nặng hơn và cuối cùng dẫn đến suy chức năng.

– Như vậy tổn thương của các quá trình viêm mạn tính là do những giai đoạn hoại tử xảy ra nhiều lần. Nếu như hoại tử này rộng tổ chức hạt sẽ được hình thành và mở đường cho quá trình thành sẹo để thay thế tổ chức nhu mô bằng tổ chức xơ sẹo.

More on this topic

Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Popular stories