Bản chất kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam: “tự giác, nghiêm minh” | ĐẢNG BỘ DOANH NGHIỆP BẮC GIANG

Related Articles

ản chất kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam: “tự giác, nghiêm minh”

Hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn mang trong mình bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Bản chất kỷ luật của quân đội ta mang bản chất kỷ luật của Đảng, là kỷ luật “tự giác, nghiêm minh”. Đoàn kết tốt, chấp hành kỷ luật tự giác, nghiêm minh đã trở thành bản chất, truyền thống tốt đẹp, một phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, là một yếu tố quan trọng nhất để xây dựng chính quy và tạo nên sức mạnh chiến đấu tổng hợp của quân đội ta.

                                (ảnh: Theo Báo Nhân dân điện tử)

Như V.I. Lênin đã viết: “Nếu suy nghĩ đến cùng, do nguyên nhân sâu xa mà có được cái kỳ tích lịch sử là một nước suy yếu, bị kiệt quệ và lạc hậu lại chiến thắng được những nước hùng cường nhất thế giới, thì chúng ta thấy nguyên nhân đó là chế độ tập trung, kỷ luật và tinh thần hy sinh chưa từng có”. Kế thừa một cách khoa học, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, trong quá trình giáo dục, rèn luyện Quân đội ta, Bác chỉ rõ: “Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua” hay “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vậy, kỷ luật phải nghiêm minh”.

Ngay từ những ngày đầu thành lập quân đội, cũng như khi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của kỷ luật quân đội “là nền tảng thắng lợi trong cuộc kháng chiến kiến quốc”. Trong thời kỳ tạm thời hoà bình xây dựng đất nước, xây dựng quân đội Người xác định: “Muốn nâng cao chí khí chiến đấu, cố nhiên là phải học chính trị và quân sự, phải giữ thật nghiêm kỷ luật của quân đội. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”. Về tầm quan trọng của dân chủ trong quân đội, Người coi đây là vấn đề thuộc về bản chất của quân đội cách mạng. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến, mới đoàn kết nội bộ tốt và thực hành dân chủ để rút kinh nghiệm, để sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm, sẽ tiêu diệt được nhiều sinh lực địch và lập được chiến công nhiều hơn… Tóm lại, trong mọi giai đoạn, mọi thời kỳ đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định dân chủ và kỷ luật là một vấn đề quan trọng trong quân đội và thường xuyên nhắc nhở: “Các chú phải hết sức chú ý vấn đề dân chủ và kỷ luật. Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật”.

Xã hội văn minh, tiến bộ, xã hội XHCN phải là một xã hội có kỷ cương luật pháp không chỉ trên giấy mà quan trọng hơn là cả nhận thức và hành động của mọi người. Thực hành kỷ luật là đòi hỏi thiết yếu của đời sống cộng đồng và cá nhân – nó đảm bảo cho xã hội vận hành bình thường, đồng bộ và có hiệu quả. Văn hóa luật pháp càng cao thì cuộc sống của mọi người càng thoải mái, an toàn; càng ít bất công, càng có điều kiện phát huy khả năng sáng tạo. Người có ý thức vì tập thể, có hiểu biết, thường tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật và các quy chế, quy định khác, coi đó là nhu cầu hàng ngày như cơm ăn, nước uống. Một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét trình độ văn hóa của mỗi người là mức độ hiểu biết và thực hành pháp luật. Người có văn hóa tất yếu phải là người chấp hành nghiêm pháp luật. 

Trải qua hơn 74 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta đã đóng góp cho dân tộc những giá trị văn hóa đặc sắc. Đó là lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân – tinh thần chiến đấu dũng cảm, thông minh, sáng tạo – Tinh thần “đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể”, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, xông pha nơi hiểm nguy… Trong đó, truyền thống nhận thức sâu sắc và chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội là một trong những yếu tố quan trong hàng đầu làm nên những thắng lợi vĩ đại của Việt Nam trong thế kỷ 20, giúp Quân đội ta hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, của Đảng. Kỷ luật Quân đội là một kỷ luật tự giác của một Quân đội cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Kỷ luật đó xuất phát từ mục tiêu, lý tưởng, từ đòi hỏi khách quan của chức năng, nhiệm vụ Quân đội. Trong đó, Mười lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật dân vận đã gắn bó máu thịt và là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bước vào thời kỳ mới, nhờ có ý thức tổ chức kỷ luật tự giác, nghiêm minh, nên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, tuổi trẻ Quân đội tiếp tục phát huy truyền thống, thực hiện tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Huấn luyện, học tập, công tác giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chấp nhận khó khăn, gian khổ nơi biên giới, hải đảo xa xôi; xung kích đi đầu tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng chống thiên tai, bão lũ; tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Ở đâu, ở lĩnh vực nào cũng có nhiều tổ chức Đoàn xuất sắc, nhiều đoàn viên, thanh niên tiêu biểu.

Nhân dân Việt Nam luôn xúc động và tự hào về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” không quản ngại khó khăn gian khổ, hy sinh, dù đóng quân ở những miền xa xôi hẻo lánh, biên cương, hải đảo… song vẫn luôn nêu cao tinh thần chấp hành kỷ luật tự giác, nghiêm minh trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; trong phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an nhân dân để giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội; chấp hành nghiêm túc nhiệm vụ giúp nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Những hành động cao đẹp đó của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân càng làm ngời sáng bản chất, truyền thống đoàn kết và kỷ luật của Bộ đội Cụ Hồ./.

                                                         Lạng Thương

 

More on this topic

Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Popular stories