Viêm da dầu – Bệnh viện da liễu trung ương

Related Articles

     Viêm da dầu (seborrheic dermatitis) hay viêm da tiết bã, chàm da mỡ (seborrheic eczema) là tình trạng viêm da hay gặp, mạn tính, tái phát, vị trí chủ yếu ở mặt, đầu, ngực và vùng liên bả vai. Bệnh có thể gặp ở trẻ nhỏ và người lớn.

Gàu (dandruff  hay pityriasis capitis-vảy phấn da đầu), một dạng viêm da dầu không viêm (uninflamed). Biểu hiện là những  vảy trắng mịn như cám, mức độ ít hoặc nhiều ở các vùng da đầu có tóc mà ai cũng có thể có.

     Nguyên nhân gây viêm da dầu chưa rõ. Bệnh có liên quan với sự phát triển của các loài nấm men Malassezia. Các chất chuyển hóa của nấm gây phản ứng viêm. Ngoài ra, sinh lý bệnh của viêm da dầu còn phụ thuộc vào chức năng của hàng rào bảo vệ da. Vào mùa đông, thời tiết hanh khô thì bệnh hay gặp hơn.

Ở trẻ em, viêm da dầu hay gặp ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, thương tổn tự mất đi khi trẻ 6-12 tháng. Viêm da dầu ở người lớn bắt đầu xuất hiện ở tuổi vị thành niên, tỷ lệ ngày càng tăng ở người lớn, người già, nam giới nhiều hơn nữ giới. Một số yếu tố sau có liên quan tới tình trạng viêm da dầu:

– Da nhờn

– Tiền sử gia đình có người bị viêm da dầu hoặc vảy nến

– Suy giảm miễn dịch: cấy ghép cơ quan, nhiễm HIV. Đặc biệt ở người nhiễm HIV, viêm da dầu có thể là biểu hiện sớm của bệnh, với mức độ viêm nặng hơn so với người miễn dịch bình thường.

– Các rối loạn thần kinh, tâm thần: bệnh Parkinson, chậm phát triển, trầm cảm

Đặc điểm lâm sàng

     Viêm da dầu ở đầu ở trẻ em có tên gọi dân gian là “cứt trâu” – da đầu của trẻ có những mảng vảy da dày, dính, nhờn, lan tỏa, khó bong. Các trẻ em bị viêm da cơ địa nhũ nhi cũng hay có tình trạng viêm da dầu ở đầu với mức độ nặng. Một số trẻ sơ sinh có tình trạng viêm da dầu lan tỏa toàn thân, da đỏ, nhiều vảy tiết, vảy da vàng, dính, ẩm, nhờn. Trong trường hợp này bệnh có tên gọi là đỏ da toàn thân bong vảy Leiner-Moussou.

Ảnh 1. Viêm da dầu ở trẻ em, thương tổn mức độ trung bình ở da đầu

(Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội)

Ảnh 2. Viêm da dầu mức độ nặng ở trẻ có viêm da cơ địa

(Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội)



.



.

Ảnh 3, 4, 5. Viêm da dầu lan tỏa toàn thân ở trẻ sơ sinh (hội chứng Leiner-Moussou)

(Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội).

     Viêm da dầu ở người lớn hay gặp vùng da đầu, mặt (quanh mũi, sau tai, cung mày), nửa trên của thân mình (liên bả vai, ngực), bệnh có đặc điểm:

– Hay gặp và nặng lên vào mùa đông, cải thiện vào mùa hè.

– Ít khi ngứa

– Tình trạng da có nhờn và khô kết hợp

– Ở da đầu, cung mày có các dát đỏ, bong vảy da mỏng, khu trú hay lan tỏa

– Ở mặt, các mảng, dát màu đỏ, ranh giới không rõ, màu hồng cá hồi, ở nếp gấp, rãnh mũi má hai bên mặt, đối xứng, phía trên thường có vảy da trắng, mỏng, nhờn, dính.

– Ở ngực, lưng, rìa chân tóc thường có các bờ viền đỏ, gờ cao, hình nhẫn, hình tròn hoặc hình đa cung, có vảy da trắng.

– Các nếp gấp như nách, dưới vú, bẹn, sinh dục thường có các dát đỏ.

– Viêm nang lông ở ngực, phần trên thân mình.

     Viêm da dầu thường khu trú ở da đầu, mặt, lưng, ngực nhưng có thể lan rộng ra khắp cơ thể tạo nên hình thái dạng vảy nến.

Chẩn đoán

     Chẩn đoán viêm da dầu chủ yếu dựa vào đặc điểm lâm sàng. Ngoài ra có thể làm các xét nghiệm (soi trực tiếp, nuôi cấy) về sự có mặt của các loài Malassezia. Sinh thiết, mô bệnh học giúp chẩn đoán phân biệt với bệnh vảy nến.





Ảnh 6, 7, 8, 9. Viêm da dầu vùng mặt 

(Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội).



Ảnh 10, 11. Viêm da dầu vùng đầu

(Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội).



Ảnh 12. Viêm da dầu ở tai 

(Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội).



Ảnh 13. Viêm da dầu ở vùng liên bả vai 

(Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội).



Ảnh 14, 15. Viêm da dầu ở ngực và lưng

 (Nguồn: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội).

Điều trị viêm da dầu

Điều trị chung

– Sử dụng các thuốc bong vảy tại chỗ để loại bỏ vảy da như acid salicylic, acid lactic, urea, propylen glycol.

– Các thuốc chống nấm tại chỗ như ketoconazol, ciclopirox dạng dầu gội đầu hoặc kem bôi. Vài chủng Malassezia kháng với thuốc chống nấm azol, có thể sử dụng kẽm pyrithion hoặc selenium sulphid thay thế.

– Corticosteroid loại nhẹ dùng tại chỗ từ 1-3 tuần để giảm viêm, giảm giai đoạn bùng phát bệnh.

– Các thuốc ức chế calcineurin tại chỗ (kem pimecrolimus, mỡ tacrolimus): ít tác dụng phụ hơn corticosteroid khi sử dụng ở vùng mặt.

– Với các trường hợp bệnh nặng, kháng điều trị ở người lớn, có thể sử dụng itraconazol uống, tetracyclin, kháng sin, liệu pháp ánh sáng.

Điều trị viêm da dầu ở đầu

     Sử dụng dầu gội đầu chứa ketoconazol hoặc ciclopirox, selenium sulfid, kẽm pyrithion, coal tar, acid salicylic 2 lần mỗi tuần trong ít nhất 1 tháng.

     Steroid cho vùng da đầu (dạng dung dịch, dạng gel) sử dụng hằng ngày trong vài ngày để giảm ngứa, giảm viêm.

     Kem tar bôi lên vùng nhiều vảy, sau vài giờ thì gội đầu.

Điều trị viêm da dầu ở mặt, tai, ngực, lưng

     Làm sạch bằng các dung dịch rửa không chứa xà phòng mỗi ngày 1-2 lần.

     Dùng kem ketoconazol hoặc ciclopirox ngày 1 lần trong 2-4 tuần, nhắc lại nếu cần thiết.

     Kem hydrocortison bôi ngày 2 lần trong 1-2 tuần. Có thể dùng steroid có hoạt lực mạnh hơn.

     Các thuốc ức chế calcineurin tại chỗ (kem pimecrolimus, mỡ tacrolimus) thay thế cho corticosteroid.

Bài và ảnh: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội.

Đăng bài: Phòng CNTT&GDYT

More on this topic

Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Popular stories