vai giao tiếp « TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

Related Articles

Lê Đình Tư

Đại từ chỉ ngôi (hay đại từ nhân xưng) trong tiếng Việt khá phức tạp, do chúng không chỉ được dùng để chỉ ngôi mà còn được dùng để biểu thị những thái độ, tình cảm khác nhau của người nói. Đại từ chỉ ngôi tiếng Việt thường có tính bắt buộc; khi không dùng chúng, quan hệ giữa các vai giao tiếp có thể thay đổi theo hướng xấu hoặc theo hướng suồng sã, thân mật. Ví dụ: Câu “Chị ngồi xuống!” là câu nói lịch sự hơn câu “Ngồi xuống!”. Tùy theo hoàn cảnh, câu thứ hai có thể được tiếp nhận một cách tiêu cực (thiếu lễ độ) hoặc tích cực (thân mật).

Đại từ chỉ ngôi tiếng Việt được chia làm hai loại:

1. Đại từ chỉ ngôi chuyên dùng: Là những đại từ chỉ được sử dụng để chỉ ngôi, không dùng trong chức năng của từ loại khác. Hệ thống đại từ chỉ ngôi chuyên dùng có thể trình bày như sau:

Ngôi I Số ít: tôi/tao/tớ/ta

Ngôi I Số nhiều: chúng tôi/chúng tao/chúng tớ

Ngôi II Số ít: mày/mi/ngươi

Ngôi II Số nhiều: chúng mày/ bay/chúng bay/chúng mi

Ngôi gộp (ngôi I + II): Chúng ta/ta

Ngôi III Số ít: nó/hắn/y/va

Ngôi III Số nhiều: chúng nó/chúng hắn/họ/chúng

Đại từ chỉ ngôi chuyên dùng trong tiếng Việt không có ý nghĩa trung hòa, nghĩa là không chỉ dùng để chỉ ngôi mà còn dùng để bày tỏ quan hệ ( xấu hay tốt, chính thức hay không chính thức, thân thiện hay lạ lẫm ) của những vai giao tiếp, do đó khi sử dụng cần phải xem xét để lựa chọn cho thích hợp. Ví dụ : Bạn bè với nhau, thường dùng tao, tớ để chỉ ngôi I số ít, chứ ít khi dùng tôi .

2. Đại từ chỉ ngôi lâm thời: Là những từ thuộc các nhóm từ loại khác nhưng được sử dụng như đại từ chỉ ngôi. Đó có thể là:

* Các danh từ chỉ quan hệ thân thuộc: cụ, ông, bà, bố, mẹ, chú, bác, thím, cô, cậu, mợ, dì, anh, chị, em, con, cháu, chắt.

Nguyên tắc chung để sử dụng các danh-đại từ này là căn cứ vào vai giao tiếp (vị thế của các vai giao tiếp): Người đóng vai giao tiếp có quan hệ với nhau như thế nào thì sử dụng danh từ chỉ ngôi như thế. Ví dụ: Nếu vai giao tiếp là ông và cháu (hiểu theo nghĩa chính xác), hoặc có thể là ông và cháu xét về mặt tuổi tác (hiểu theo nghĩa mở rộng), thì ta sử dụng ‘ông’ và ‘cháu’ làm đại từ thay cho ‘tôi’, ‘mày’ ở ngôi thứ nhất và thứ hai. Như vậy, các danh-đại từ chỉ ngôi có thể được sử dụng để xưng hô trong gia đình, gia tộc nhưng cũng có thể sử dụng để xưng hô trong xã hội. Trong giao tiếp xã hội, tùy theo vị thế xã hội và mức độ thân mật giữa các vai giao tiếp mà lựa chọn những từ thich hợp. Chẳng hạn, một cô gái có thể xưng hô với một người ở tuổi bố mình là ‘ông-cháu’ để biểu thị sự kính trọng hoặc khiêm nhường; bạn bè thân với nhau có thể dùng cặp đại từ ‘bác-tôi’ hay ‘ông-tôi’ để thể hiện sự thân mật…

* Danh từ mình: Đây vốn là từ dùng để chỉ cơ thể người hoặc động vật nhưng thường được dùng làm đại từ chỉ ngôi trong trường hợp người nói muốn thể hiện mối quan hệ thân mật, hữu nghị với người nghe. Đại từ mình có thể dùng để chỉ cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai (số ít hoặc số nhiều). Khi sử dụng ở ngôi thứ nhất số nhiều, ta có thể thêm chúng vào trước thành chúng mình. Ví dụ:

1) Mình đi ăn đi.

2) Cậu quên mình rồi à?

3) Mình đi đâu đấy mình?

4) Chúng mình cứ vào xem thế nào rồi quyết định sau!

* Một số danh từ dùng để xưng hô một cách chính thức, như bạn, đồng chí, ngài, vị, và những danh từ chỉ chức vụ, nghề nghiệp, học hàm, học vị, như giám đốc, thủ trưởng, bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống, thày giáo, cô giáo, bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ, cũng được dùng làm đại từ chỉ ngôi (ngôi II).

* Trong khẩu ngữ, có thể kết hợp một danh từ chỉ quan hệ thân thuộc hàng trên (ví dụ: ông, bà, bố, mẹ, chú, cô, bác…) với một danh từ chỉ quan hệ thân thuộc hàng dưới (ví dụ: cháu, chị, anh, em) để tạo ra đại từ nhân xưng ngôi II, ví dụ:

1) Ông cháu đi đâu đấy?

2) Xin chào bà chị!

3) Chú em hôm nay diện quá nhỉ!

4) Ông anh đòi cao thế thì em biết trả thế nào!

5) Sao cô em nóng tính thế?

Ngoài ra, cũng có thể kết hợp các từ chỉ quan hệ thân thuộc với các đại từ mày, nó và mình để tạo đại từ chỉ ngôi II. Ví dụ:

1) Chú mày định chuồn à?

2) Bố nó hôm nay bị ốm à?

3) Cô mình có đi với bọn anh không?

4) Mẹ nó vào ăn cơm.

* Đại từ chỉ ngôi III số ít có thể được tạo ra bằng cách kết hợp từ ‘ta’ hoặc ‘ấy’ với các từ chỉ quan hệ thân thuộc. Ví dụ: ông ta/ông ấy, bà ta/bà ấy, chị ta/chị ấy. Đại từ hắn cũng có thể kết hợp với ta để tạo thêm đại từ hắn ta chỉ ngôi III. Nói chung, từ ta thường cho ý nghĩa tiêu cực hơn, trong khi từ ấy thường cho ý nghĩa trung hòa hơn. So sánh:

1) Anh ta chẳng thích ai ở cơ quan mình.

2) Anh ấy chẳng thích ai ở cơ quan mình.

Cần nhớ rằng, từ ta chỉ hoàn toàn có thể tích hợp với những từ chỉ người lớn tuổi hơn ( anh, chị, chú, cô, ông, bà … ), chứ không hề tích hợp với những từ chỉ người ít tuổi hơn ( em, cháu, con … ), ví dụ : Không thể nói ‘ em ta ’ hay ‘ cháu ta ’ với ý nghĩa là ‘ nó ’ mà chỉ dùng với ý nghĩa : ‘ em của tất cả chúng ta ’ hay ‘ cháu của tất cả chúng ta ’ .

* Ngoài ra, từ ‘ta’ và ‘ấy’ còn có thể được kết hợp với một số danh từ chỉ người theo độ tuổi và giới tính (lão, mụ) để chỉ ngôi III. Thường thì dạng thức này mang thêm ý nghĩa tiêu cực hoặc thân mật, tuỳ theo ngữ cảnh. Ví dụ:

1) Lão ta về vườn rồi.

2) Mụ ấy có tới năm cái nhà cho thuê.

Cuối cùng, trong tiếng Việt còn có một số đại từ nhân xưng đặc biệt dùng để thể hiện những tình cảm, thái độ đặc biệt kính trọng hoặc suồng sã: Người; ông cụ/bà cụ (= mẹ/bố, ví dụ: bà cụ tôi = mẹ tôi).

Câu hỏi và bài tập

1/ Đại từ chỉ ngôi chuyên dùng là gì? Đại từ chỉ ngôi chuyên dùng tiếng Việt có gì đặc biệt? Hãy cho một vài ví dụ với các đại từ chỉ ngôi chuyên dùng nhằm làm rõ sự khác biệt về quan hệ khi thay đổi đại từ chỉ ngôi.

2/ Đại từ chỉ ngôi lâm thời là gì? Những từ nào có thể được sử dụng làm đại từ chỉ ngôi lâm thời?

3/ Hãy mô tả các đại từ chỉ ngôi II số ít và số nhiều và cho ví dụ minh họa.

4/ Hãy mô tả các đại từ chỉ ngôi III số ít và số nhiều và cho ví dụ minh họa.

5/ Nêu sự khác biệt giữa các đại từ chỉ ngôi trong các ví dụ sau:

– Anh đi đâu đấy?/ Ông anh đi đâu đấy?

– Chị cho em hỏi, xe này có đi Mai Động không?/ Bà chị cho em hỏi, xe này có đi Mai Động không?

– Bố nó ăn cơm đi!/ Bố nó đi ăn cơm.

– Bà ấy luôn luôn làm việc thiện./ Bà ta luôn luôn làm việc thiện!

– Hôm nay ông ấy không tiếp ai cả./ Hôm nay lão ta không tiếp ai cả.

_______________________________________

More on this topic

Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Popular stories