Sinh hoạt hè tại địa bàn dân cư: Thêm nhiệt huyết, tăng sức hút

Related Articles

Kỳ I: Còn nhiều bất cập

021-1562723939

Hoạt động sinh hoạt hè tại khu 13, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì được tổ chức vào buổi tối cuối tuần, tạo sân chơi lành mạnh cho thiếu niên, nhi đồng.

PTĐT – Kết thúc năm học với không ít áp lực, hàng vạn học sinh ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh lại háo hức chờ đón kỳ nghỉ hè với biết bao dự định của tuổi thơ, vì thế việc tổ chức sinh hoạt hè cho thanh thiếu nhi tại khu dân cư là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tạo ra sân chơi bổ ích, an toàn cho trẻ em. Thế nhưng không phải địa phương nào cũng tạo được sân chơi hấp dẫn, thu hút đông đảo thanh, thiếu nhi tham gia. Do vậy, hiệu quả hoạt động sinh hoạt hè tại địa phương vẫn chưa thực sự như kỳ vọng, chưa tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và đây vẫn còn là câu chuyện phải bàn.

Từ nhu cầu thực tiễn…

1/3 thời gian kỳ nghỉ hè của Nguyễn Phương Anh ở phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì đã trôi qua, song hoạt động hè chỉ gói gọn trong một chuyến du lịch cùng gia đình vài ngày, còn lại là chuỗi ngày dài ở nhà làm bạn cùng tivi, chiếc ipad với những bộ phim hoạt hình, trò chơi điện tử. Bố mẹ đi làm cả ngày nên em tự do lựa chọn chơi trò gì, xem cái gì theo sở thích và giờ giấc ra sao. Mải mê “lang thang” trên mạng Internet mà thiếu sự quan tâm, định hướng của người lớn khiến Phương Anh và nhiều bạn nhỏ dần đánh mất tuổi thơ trong sáng của mình. Môi trường sống thiếu lành mạnh và an toàn đang diễn ra không chỉ ở việc trẻ em “nghiện” Internet mà ở cả những nguy cơ tiềm ẩn gây ảnh hưởng xấu đến việc hình thành nhân cách như: Bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, tai nạn thương tích, đuối nước…

Nếu như trẻ em ở khu vực thành thị hay trung tâm các huyện được tiếp cận với những sân chơi mang tính giải trí, rèn luyện kỹ năng sống thì ở khu vực nông thôn, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa thì đó lại là điều xa xỉ, bởi hè về là dịp để các em tranh thủ giúp đỡ gia đình hay có chăng cũng tự tạo những trò chơi, tiềm ẩn nhiều rủi ro như leo trèo, tắm sông, suối… 

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cho thấy các em nhỏ rất cần sân chơi trong dịp hè, do đó, việc tổ chức sinh hoạt hè cho thanh, thiếu nhi ở khu dân cư có vai trò rất quan trọng trong giáo dục cho học sinh tinh thần đoàn kết, sức khỏe, đạo đức, kỹ năng sống, phát huy năng khiếu bản thân, không để các em sa đà vào các trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh. Bước vào kỳ nghỉ hè, dưới sự chỉ đạo của tổ chức Đoàn các cấp, căn cứ điều kiện thực tế ở từng địa phương, nhiều hoạt động sinh hoạt hè đã được triển khai. Mùa hè năm nay, toàn tỉnh có gần 42.000 học sinh là thanh, thiếu niên, nhi đồng về sinh hoạt hè tại khu dân cư. Để nâng cao chất lượng sinh hoạt hè, thu hút đông đảo thanh, thiếu nhi tham gia, ngay từ đầu tháng 6, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã chủ động bám sát kế hoạch và sự chỉ đạo của Đoàn cấp trên, thành lập Ban chỉ đạo hoạt động hè, tổ chức các hoạt động hè, sinh hoạt Đội tại các khu dân cư. Các buổi sinh hoạt hè diễn ra sôi nổi với nhiều nội dung hoạt động hấp dẫn, hướng các em vào sinh hoạt tập thể, làm việc thiện, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn. Hoạt động Đội tại địa bàn dân cư được các anh, chị phụ trách thiếu niên, nhi đồng nơi cư trú tổ chức sinh hoạt hàng tuần với nhiều nội dung như: Múa hát, trò chơi tập thể, thi kể chuyện sách, thể dục thể thao… Qua đó, vừa bảo đảm quyền được vui chơi của trẻ em, vừa đáp ứng nhu cầu của các gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em trong những ngày hè. Cùng với xây dựng mới các thiết chế văn hóa, thể thao cho thanh niên, thiếu nhi, vào buổi tối hàng ngày hoặc cuối tuần, nhiều địa phương còn dành sân bãi, nhà văn hóa, hội trường của xã để đoàn thanh niên tổ chức sinh hoạt hè và các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi.

img0299-1-1562723954

Trò chơi dân gian là một trong những nội dung sinh hoạt hè được các chi đoàn khu dân cư ở xã Vụ Cầu, huyện Hạ Hòa thường xuyên tổ chức cho thiếu niên, nhi đồng.

 … đến những khó khăn, bất cập

Mục đích của sinh hoạt hè ở khu dân cư là nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường và địa phương (mà cụ thể là Đoàn thanh niên), thể hiện rõ trách nhiệm của nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục, tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh trong thời gian nghỉ hè. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức sinh hoạt hè tại khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã nảy sinh không ít khó khăn, bất cập.

Vào buổi tối hàng tuần, sân nhà văn hóa các khu dân cư ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao lại sáng đèn. Những bài hát múa, trò chơi dân gian là nội dung sinh hoạt hè chủ yếu được duy trì trong mỗi buổi sinh hoạt. Qua việc sinh hoạt, tập luyện thường xuyên sẽ giúp các khu lựa chọn tiết mục đặc sắc tham gia thi múa hát toàn xã vào dịp Quốc khánh 2-9. Tuy nhiên trong tổng số 22 khu dân cư, có 6 khu phải tổ chức sinh hoạt ghép thành 3 nhóm do số lượng đoàn viên và thiếu nhi ít, mỗi tối, mỗi nhóm có khoảng 20-25 em tham gia sinh hoạt. Huyện Lâm Thao có 14 xã, thị trấn với 199 khu dân cư nhưng chỉ có 186 khu thành lập được chi đoàn. Phó Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết: “Dịp hè năm nay, các xã, thị trấn tiếp nhận khoảng 14.000 thiếu niên, nhi đồng được các liên đội bàn giao thông qua phiếu đánh giá sinh hoạt hè. Với những khu dân cư ít đoàn viên thanh niên không thành lập được chi đoàn, chúng tôi đã chỉ đạo 2 khu, thậm chí 4 khu ghép lại để tổ chức các hoạt động hè cho các em”.

Việc tổ chức sinh hoạt hè cho thanh, thiếu nhi học sinh lẽ ra phải được triển khai ở tất cả khu dân cư trong tỉnh, tuy nhiên có những khu vẫn bị bỏ trống. Chị Đặng Thị Thúy Phương ở khu 5, thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê có con trai năm nay lên lớp 7 tâm sự: “Sau khi kết thúc năm học, con tôi được nhà trường phát cho tờ phiếu đánh giá sinh hoạt hè nhưng tôi không biết đưa cho ai vì ở đây không có tổ chức Đoàn. Không được tham gia sinh hoạt hè, tôi đành cho con đi học thêm Tiếng Anh và năng khiếu đá bóng”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khoảng 1 năm nay khu 5 không thể tập hợp được đoàn viên thanh niên để duy trì hoạt động của tổ chức Đoàn, trong đó có sinh hoạt hè cho thiếu niên, nhi đồng. Khó khăn này không chỉ diễn ra ở khu 5 mà khu 2 cũng xảy ra tình trạng tương tự. Bí thư Đoàn thị trấn Sông Thao Hà Mạnh Linh thừa nhận rằng, việc tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh trên địa bàn thị trấn hiệu quả chưa rõ nét, không đồng đều giữa các khu dân cư. Bên cạnh 2 khu không thể duy trì sinh hoạt hè, còn có những khu năng lực cán bộ Đoàn yếu, không chủ động trong tổ chức các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi mà cần phải có sự hỗ trợ của Ban chấp hành Đoàn thị trấn.

Việc bố trí chức danh bí thư chi đoàn khu dân cư vẫn còn tình trạng không đảm bảo độ tuổi đúng quy định của Điều lệ Đoàn. Hiện toàn tỉnh còn 261 bí thư chi đoàn tuổi từ 35-40, 49 bí thư chi đoàn trên 40 tuổi. Đến nay, trên 220 bí thư chi đoàn kiêm nhiệm từ 3 chức danh trở lên, trong đó có 7 người kiêm nhiệm từ 5 chức danh trở lên. Việc bí thư chi đoàn hay cán bộ phụ trách Đoàn cao tuổi, phải kiêm nhiệm nhiều chức danh đã ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức sinh hoạt hè trên địa bàn dân cư. Vì không còn phù hợp lứa tuổi nên việc lựa chọn cách thức tổ chức sinh hoạt có phần khô cứng, thiếu nhạy bén, sáng tạo, không đồng nhất dẫn đến chồng chéo, không có trọng tâm, trọng điểm, dàn trải, hiệu quả không cao. Ngay như ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, có đồng chí phụ trách chi đoàn Nguyễn Mạnh Hùng đã gần 50 tuổi. Mọi công việc, hoạt động của chi đoàn đều phân công cho đồng chí phó bí thư chi đoàn triển khai nên để duy trì tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu niên, nhi đồng trong khu hàng ngày là việc khó thực hiện, đôi khi còn mang tính hình thức. 

Ngoài những khó khăn, bất cập trên, việc thanh niên, thiếu niên, nhi đồng không mặn mà với sinh hoạt hè đang diễn ra ở nhiều khu dân cư. Xã Sông Lô được đánh giá là nơi có phong trào thanh, thiếu niên mạnh của thành phố Việt Trì, nhưng tỷ lệ đội viên, đoàn viên từ các trường về tham gia sinh hoạt hè không cao. Đồng chí Bùi Thị Lệ Chi – Bí thư Đoàn xã cho biết, trong khoảng 800 đoàn viên thanh niên, chỉ có trên 100 người tham gia hoạt động Đoàn. Do vậy, tùy khả năng, mỗi khu duy trì sinh hoạt hè cho các cháu thiếu niên, nhi đồng từ 1-2 buổi/tuần vào các buổi tối. Lứa tuổi tham gia sinh hoạt hè chủ yếu là học sinh tiểu học và THCS, học sinh THPT ít hào hứng với hoạt động tập thể.

Mặc dù mang ý nghĩa, mục đích tốt đẹp nhưng hoạt động sinh hoạt hè cho thiếu niên, nhi đồng nhiều nơi chưa có sự đổi mới, thậm chí còn đơn điệu, nhàm chán, thiếu sức hút, dẫn đến hiệu quả mang lại chưa được như mong đợi.

Kỳ II: Hiệu quả từ cách làm hay

More on this topic

Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Popular stories