Mùa Thanh Tân

Related Articles

Có tiếng đàn ai vẳng đưa trong đêm trăng. Trăng trên đồi cát trắng. Liêu trai và mộng mị. Lại có lời ca rằng :

Ngày xưa có anh Trương Chi

Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay…

Không gian như rung lên muôn trùng sợi tơ. Trên dòng Tiêu Tương, con thuyền Trương Chi chở đầy trăng và giọng hát, nặng trĩu tâm tình. Tây hiên, Mỵ Nương nghe dòng sông tương tư thanh âm dìu dặt. Sông thu ru êm một khúc tình ca. Cho người lên khơi. Cho tình chơi vơi. Chàng đã dám yêu, dám cháy hết mình, rồi vùi sâu trong tâm tư một bóng hình. Tình lên thiên thu.

Trong những ngày dãi dầu mưa nắng Trường Sơn hồi kháng chiến, có một người trai đi tìm người em gái. Anh đi tìm em. Em ở nơi đâu? Mà anh qua bao núi, qua bao nhịp cầu. Tìm em. Em đi mở đường. Tuổi xuân em phơi phới. Ô hay! Chỉ nghe tiếng hát, chỉ nghe có tiếng hát mà lòng anh yêu thương. Tay em mở đường. Cho những đoàn quân trùng trùng ra trận. Tiếng hát Trương Chi ngày nào nghe man mác, xa xăm, nặng gánh cùng nỗi niềm tình yêu đôi lứa. Còn tiếng hát em, sao nghe vui tươi, và hồn nhiên đến vậy, mặc dù đang ở giữa muôn vàn gian khó; giữa đạn réo, bom rơi? Thanh xuân, em sống đời mình cùng vận nước, cho hôm nay, và cho mai sau. Em hẹn gì? Em chờ gì? Em chỉ hẹn, chỉ chờ một ngày non nước yên bình. Xin được ngàn lần cảm ơn em! Bởi, có con đường em mở năm xưa mới có được đường lên rộng mở hôm nay.

Và, cảm ơn nhạc sĩ Phan Nhân về những hình ảnh ấy, trong ca khúc Em ở nơi đâu. Đẹp vậy, cho nên, giữa rừng, tôi cứ bâng khuâng. Em là hoa? Hay hoa là em? Ta nghe em một độ hồng nhan. Ta nghe hoa một thì hàm tiếu. Tất thảy đều là một độ; đều là một thuở. Người ta nói một độ xuân xanh, một thuở xuân thì là vậy. Xuân xanh đừng để úa. Xuân thì chớ để qua. Bây giờ, người con gái có tiếng hát bay bổng giữa rừng năm xưa đang ung dung ngồi kể cho cháu con nghe những câu chuyện về đời mình, về một độ, một thuở kiêu hùng đã mở lối đi qua bao nhiêu vùng súng bom, lửa khói. Mà làm nên chiến thắng.

Quê tôi là một vùng chuyên lúa. Mới đây, có một con đường cao tốc cực lớn đi qua, chia làng ra làm hai. Một bên vẫn lúa; vẫn những ngôi nhà ba gian cũ kỹ, mái phủ rêu phong. Còn bên kia, từ ruộng sâu, người ta lấp đầy đất lên mà xây trên đó những khối nhà đồ sộ, tiện nghi. Một cậu bé dắt trâu ra đồng. Nó bước xuống ao hái một nhành sen; cầm trên tay một đóa vô nhiễm mà mơ một ngày nào đó được bước chân vào những căn phòng có ánh sáng nhiều màu bên trong những tòa nhà nguy nga, lộng lẫy phía bên kia đường. Gần quá! Mà nghe xa quá! Trong giấc mơ ngắn ngủi của nó, có một ông tiên hiện lên. Ông dịu dàng hỏi: “Này con, vì sao con thích ở trong ấy?”. Đáp: “Dạ, vì con thấy nó đẹp!”. Ông lại hỏi: “Vậy con có biết những người đang sống trong đó họ thích gì không?”. Cậu bé suy nghĩ hồi lâu, rồi thưa: “Dạ con không biết!”. Ông tiên từ tốn: “Họ thích đóa hoa sen con đang cầm trên tay đó!”. Nói đoạn, ông tiên biến mất.

Đến thăm, thấy tôi làm việc cực nhọc, cùi cụi suốt đêm ngày, bạn bảo: Bây giờ ông đem sức khỏe đi bán để kiếm tiền. Ít hôm nữa, ông lại lấy chính số tiền ấy đi mua lại… sức khỏe. Mà chưa chắc đã mua được. Quả thật, bạn có lý. Con người có chiều hướng chạy theo, cầu tìm những gì mình đang thiếu mà vô tình đánh mất những gì mình đang có. Quả thật, tôi đang cần có tiền, bởi còn nặng nợ áo cơm. Vẫn thấm thía lời bạn nói, nhưng liệu tôi có giữ được sức khỏe của mình không khi cơ thể không đủ dưỡng chất? Hoặc, nếu như tôi không dùng tới thì sức khỏe có tiêu hao đi không, theo vòng xoay bốn mùa thay lá? Vậy thì, tôi thôi cùi cụi, để cho sức khỏe khỏi mòn đi, liệu có được chăng? Có ai cho tôi biết, rồi tôi sẽ cần những gì trong những ngày đang tới? Nói đến đó, bạn cười. Ừ, vô thường mà. Nhưng, bạn khuyên tôi phải dùng niên hạn của mình cho thật đúng, cho thật có ý nghĩa, như cô gái mở đường cứ mãi thanh xuân trong ký ức kia vậy.

Trong thiền học, không ai không nhớ câu chuyện có người hỏi sư tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông: “Thưa thầy, thế nào là yếu chỉ của Thiền tông”. Thầy đáp: “Phản quang tự kỷ, bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Ấy chính là tự soi sáng cho chính mình, để nhận ra được chính mình. Bớt nhìn vào người khác. Tuyết đóng đầy mái nhà mình, đến nỗi sắp sập mà sao mình cứ mải đi nhìn sương đọng trên nóc nhà người khác? Hoặc, như khi ra đường, ta dễ dàng nhắc người khác khi họ quên gạt chân chống xe mà quên rằng, nhiều khi, chính chân chống xe của mình đang đi cũng chưa được gạt lên. Bởi vậy, ngày nào cũng soi gương, nhưng, nhiều khi, ta đã không thấy được chính mình. Không nhìn thấy cho thật rõ mình, cho nên không thể gột rửa hết những bụi bặm vưởng vất đâu đó trong chân thân. Mà, như vậy, ví như ta đi xe máy quên gạt chân chống, nếu không được ai nhắc, té ngã là điều cầm chắc.

Có chuyện này định giấu, nhưng ngày xuân, thôi cứ bộc bạch. Số là, tôi và một số người bạn thích uống rượu. Khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ cứ dặn đi dặn lại không được uống nhiều rượu, sẽ có hại cho gan, và nhiều thứ khác. Nghe vậy. Biết vậy. Rõ lắm. Ngặt nỗi, cứ chiều chiều, điện thoại lại reo. Lời bác sĩ dặn, vẫn nhớ. Nhưng, một mặt bạn cứ kèo nài; một mặt lòng lại tự nhủ: “Làm tí, chắc không sao đâu!”. Vậy là đi. Đến khi chạy về nhờ bác sĩ, ông giận: “Lại uống nữa phải không?”. Mới hay, ở đời, làm cho được theo cái đúng, quả thật, là không hề dễ dàng chút nào. Vậy nên, mới nói, chiến thắng lớn nhất là chiến thắng chính bản thân mình.

Xuân cứ đến, rồi đi. Hờ hững như nước trôi qua cầu. Chỉ có những tâm hồn thiền mới ung dung, tự tại trước cuộc xoay vần của con tạo, với một lẽ sắc, không huyền diệu. Còn nhân gian cứ muốn níu giữ sắc xuân; cứ muốn thêm nhiều tuổi thọ, cho nên đêm ngày thống thiết, tiếc nuối rồi bất lực, hốt hoảng. Mà, dẫu có thế nào, xuân vẫn cứ đến, rồi đi.

Nói vậy, mà thương người con gái lòng trẻ còn như cây lụa trắng trong Mưa xuân của thi sĩ Nguyễn Bính. Mới đó thôi, hãy còn nghe phấn chấn lắm:

… Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”…

Vậy mà, không lâu sau đó, lại ngậm ngùi nghe:

… Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay

Hoa xoan đã nát dưới chân giày

Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ

Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”…

Đảo vắng. Đêm chìm sâu theo tiếng bìm bịp kêu mải miết. Đệm đàn ghi ta, bạn tôi cứ hát mãi mấy câu thơ ấy. Và bảo: Ừ nhỉ, mỗi năm, ta nhìn xuân thấy có khác đi. Nhưng, tôi hỏi bạn: Cái khác đi ấy là do xuân khác đi, hay do chính ông khác đi? Và, trong cái khác đi của chính mình ấy là do mình ngày một cũ kỹ, già nua đi hay là mới mẻ thêm ra? Khác, phải là mới. Có nghĩa là, không chỉ có bốn mùa đi qua trong vũ trụ, trong tâm thức bạn phải có một mùa thường trực: Thanh Tân. Để tâm hồn ta luôn được vun tưới cho trong trẻo, tươi mới. Bạn không nói gì, mắt đăm đăm nhìn ngôi sao Mai đang dần lên cao.

Ngoài kia, thủy triều đang lên. Có tiếng con cá quẫy. Thanh âm thật nhẹ, nhưng nghe đầy sức sống.

Trời đang sáng.

Nha Trang, trước thềm xuân Ất Mùi

PHONG NGUYÊN

More on this topic

Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Popular stories